Chúng tôi rời bến cảng Hàm Tử – Quy Nhơn trên chiếc thuyền chợ hướng tới Cù Lao Xanh trong một buổi sáng mưa rả rích do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới đang tràn về Biển Đông. Gọi là thuyền chợ bởi hằng ngày nó chuyên chở dân và hàng hóa ra đảo và ngược lại với hai chuyến sáng – chiều.
Tuy nhiên lòng thuyền rộng rãi, vững chắc tạo cảm giác an toàn, đặc biệt là khởi hành đúng giờ và thái độ cư xử của chủ thuyền, tài công đối với khách lạ rất vui vẻ, xởi lởi như người thân quen.
Sau 1 giờ 40 phút, thuyền vòng qua phía Đông Nam của đảo trước khi vào một vịnh nhỏ kín gió bởi ba mặt là núi, chỉ có một mặt giáp biển và cập bến cầu tàu Cù Lao Xanh. Chỉ mất thêm vài mươi bước, chúng tôi vào trung tâm xã đảo Nhơn Châu, nằm kề làng chài bao đời nay ẩn mình dưới hàng dừa rợp mát ven biển – một nét đặc trưng sinh sống của người dân chài vùng biển.
Chúng tôi quyết định theo ông Đỗ Văn Gieo (còn được gọi là Sáu Gieo, 61 tuổi) – dân cố cựu thuộc thế hệ thứ 5 của một dòng tộc sinh cơ tại đảo, rong thuyền máy ra hòn Yến cách Cù Lao Xanh khoảng 3km về hướng Đông. Thuyền chạy chưa bao lâu đã tiếp cận hòn Yến cũng là lúc nghe trong không gian vang vọng tiếng ríu rít, rộn ràng của chim yến bay rập rờn trên trời.
Theo ông Sáu Gieo, hòn Yến là tên chung của hai hòn đảo Ông Già và Ông Táo, mà người bản địa thường gọi để phân biệt dựa vào hình thù của từng đảo đá. Hơn nữa, hai hòn đảo này là nơi phần đông loại chim yến cọ và một số ít là yến hàng tìm về sinh sống. Do trữ lượng tổ yến hàng ít ỏi nên địa phương không tổ chức khai thác, nhờ vậy mà cả hai loại yến này sinh sản ngày càng đông đảo.
Thuyền quay lại Cù Lao Xanh, thả neo tại đầu ghềnh. Chúng tôi bắt đầu lặn biển bằng kính lặn và ống thở ở độ sâu chừng bốn sải tay. Khổ nỗi dù nước biển ấm, trong veo, dải san hô trải rộng, những đàn cá đủ sắc màu bơi lấp lánh nhưng sóng ngầm liên tục xô đẩy khiến chúng tôi không thể nào bình tâm ngoạn cảnh, đành phải rút neo tìm điểm lặn khác.
Đó là bãi rạn, nơi mà theo dân chuyên lặn biển ở địa phương, còn nhiều dải san hô trải rộng, đẹp tự nhiên. Quả thật, ngay cái nhìn đầu tiên dưới lòng đại dương, chúng tôi đã ngây ngất bởi đập vào mắt chúng tôi là “vườn hoa” đua nhau khoe sắc của những rạn san hô sừng hươu, san hô tán, san hô mềm, rong biển chen chúc, đan xen.
Và cảnh trí càng thêm mỹ lệ khi từng đàn cá màu vờn quanh hoặc uyển chuyển, luồn lách qua những khe hở của khóm san hô như vũ điệu của thủy cung. Đôi lúc chúng bất chợt quay phắt đầu lại, trố mắt nhìn những vị khách không mời mà đến ra vẻ dò xét, hăm dọa.
Trong cái tĩnh lặng dưới lòng đại dương, thỏa thích ngắm nhìn thế giới xung quanh, tôi chợt nhớ tới những vụ án tàn phá bãi rạn tại Khánh Hòa và nạn đục phá san hô vô tội vạ để bán cho du khách nhan nhản ở những bãi biển tuyệt đẹp từ Kiên Giang ra Ninh Thuận, Đà Nẵng tới tận Hạ Long…
So sánh để thấy rằng sự quan tâm, gìn giữ của người dân, chính quyền xã Nhơn Châu đối với tài nguyên của biển thật đáng trân trọng biết bao.
Rạng sáng hôm sau, chúng tôi chọn hải đăng Cù Lao Xanh trên cao đỉnh 103m so với mặt nước biển để đón bình minh báo hiệu một ngày mới.
Thời khắc chờ đợi đã tới khi ráng trời bắt đầu hừng đông, càng lúc càng rực rỡ và đẹp nhất là lúc khối cầu lửa đỏ ối, dần dần ló dạng trên mặt biển, phản chiếu ánh sáng lung linh sóng nước tạo nên một bức tranh hoành tráng, mỹ lệ.
Chọn hải đăng Cù Lao Xanh khởi đầu chuyến tham quan trong ngày, ông Sáu Gieo đã tính toán đúng “nhất cử lưỡng tiện”.
Vừa là điểm lý tưởng đón bình minh lại kết hợp thăm cột cờ Tổ quốc trên ngọn đồi cao được khánh thành ngày 31-10-2014 và hải đăng – một trong những ngọn đèn biển cổ nhất VN. Hải đăng cao 16,05m sừng sững kiên cố vì toàn bộ được xây dựng bằng đá.
Tính từ khi bổ nhát cuốc đầu tiên vào ngày 20-8-1890 cho tới lúc công trình hoàn thành và đèn chiếu sáng chính thức hoạt động phải mất 10 năm (1899). Năm 1992 ngành bưu chính chọn hình ảnh đèn biển Cù Lao Xanh cùng hải đăng Cần Giờ (TP.HCM), Vũng Tàu, Long Châu (Hải Phòng) thiết kế mẫu và phát hành bộ tem đầu tiên về đèn biển VN.
Cù Lao Xanh có khoảng 6km đường bêtông vòng đảo mà chúng tôi ví von là “cung đường của sự khám phá”.
Bởi sự hoang vắng, yên tĩnh là một lẽ, nó còn là góc nhìn toàn cảnh từ trên cao: những bãi tắm mang tên mộc mạc như bãi Đá Hòn, bãi Nam, bãi Bắc, bãi tắm nhỏ… cát trắng mịn màng, nước trong leo lẻo; cũng là nơi chim chóc, đặc biệt là con nhàn, bốn mùa tìm về sinh sôi, nảy nở. Rồi những rừng đá toàn đá tảng, đá tròn lớn nhỏ, đủ hình đủ dạng lạ mắt, xếp lớp chồng lên nhau tạo thành núi.
Thi thoảng, ngọn gió thổi qua hốc đá tạo thanh âm vi vu lúc trầm lúc bổng, cùng tiếng rì rào sóng biển và tiếng chim hót líu lo như bản hợp tấu của biển trời. Đó là kết quả của vận động kiến tạo và là ân huệ của đất trời.
Có thể nhận thấy rõ Cù Lao Xanh ẩn chứa nhiều vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết nhưng đáng tiếc bấy lâu nay ngoài những nhóm khách đi tự phát thi thoảng ra chơi rồi nhanh chóng quay về đất liền, ít người biết tới bởi chưa hề có quán ăn, nhà nghỉ hay cơ sở dịch vụ du lịch.
Vì thế, để bắt tay vào khai thác tiềm năng du lịch một cách hiệu quả, bền vững và cải thiện đời sống dân đảo, rất cần những yếu tố thúc đẩy từ bên trong. Chẳng hạn vận động người dân đầu tư nhà nghỉ, quán ăn tươm tất, cả về phương tiện vận chuyển thô sơ trên đảo và thuyền bè du ngoạn, lặn biển.
Bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ từ ngành du lịch tỉnh về công tác tập huấn, đào tạo. Thà làm nhỏ, phù hợp tài lực của người dân trên đảo còn hơn đầu tư ồ ạt không khéo phá cảnh quan lại không tới nơi tới chốn khiến khách quay lưng.